I. Đối tượng, điều kiện thu hút
Chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý, sinh viên tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
1. Điều kiện chung
a) Đáp ứng các tiêu chí, điều kiện nêu tại Điều 6 Quy định này;
b) Có quốc tịch Việt Nam;
c) Không quá 40 (bốn mươi) tuổi;
d) Trình độ đào tạo chuyên môn phải phù hợp với tiêu chuẩn chức danh vị trí thu hút.
2. Đáp ứng một trong các điều kiện về trình độ
a) Trình độ đại học: tốt nghiệp loại giỏi trở lên, hệ chính quy tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước (trừ một số ngành nghề đặc thù theo danh mục thu hút định kỳ hàng năm) hoặc tại các cơ sở đào tạo trong danh sách 400 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới được quy định tại khoản 12 Điều 4 Quy định này;
b) Trình độ thạc sĩ: tốt nghiệp loại khá trở lên, hệ chính quy tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước hoặc tại các cơ sở đào tạo nằm trong danh sách 400 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới; đồng thời phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá trở lên, có ngành học phù hợp với ngành học ở chương trình thạc sĩ;
c) Trình độ tiến sĩ: tốt nghiệp tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo nằm trong danh sách 400 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới hoặc các cơ sở đào tạo uy tín trong nước.
3. Đạt một trong các chuẩn về ngoại ngữ
a) Có trình độ tiếng Anh TOEIC đạt điểm từ 550 hoặc IELTS đạt từ 5.0 (tương đương) trở lên;
b) Có trình độ tiếng Pháp TCF đạt điểm từ 350 (tương đương) trở lên;
c) Trình độ ngoại ngữ khác đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm cần thu hút.
4. Trường hợp thu hút chuyên gia đầu ngành, cán bộ lãnh đạo (diện Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp quản lý), người có tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao thì đáp ứng các điều kiện sau:
a) Điều kiện chung tại điểm a, b và d khoản 1 Điều này;
b) Điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể của vị trí cần thu hút;
c) Đảm bảo còn đủ tuổi để thực hiện nghĩa vụ làm việc cho thành phố theo cam kết.
II. Hồ sơ đăng ký đối với ứng viên
1. Đơn đăng ký tiếp nhận theo chính sách thu hút.
2. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của ủy ban nhân dân xã, phường nơi đăng ký hộ khẩu hoặc cơ quan đang công tác.
3. Bản sao có chứng thực các loại văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng. Nếu văn bằng, chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch công chứng sang tiếng Việt. Các văn bằng do cở sở đào tạo nước ngoài cấp phải được Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.
4. Giấy chứng nhận sức khỏe (có thời hạn không quá 06 (sáu) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ) do cơ quan y tế quận, huyện trở lên cấp hoặc do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.
5. Các danh hiệu thi đua, khen thưởng đạt được (nếu có).
6. Giấy chứng nhận thời gian, kinh nghiệm công tác và nhận xét, đánh giá của cơ quan đã từng công tác (nếu có).
7. Đề tài, công trình khoa học, bằng sáng chế (nếu có).
8. Các văn bản bắt buộc khác theo tiêu chí xét tuyển hàng năm.
III. Chính sách ưu đãi
1. Được hưởng đầy đủ các chế độ về tiền lương, chế độ bảo hiểm, chế độ nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Được hưởng kinh phí hỗ trợ ban đầu, cụ thể như sau:
a) Đối với người tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước (trừ các cơ sở đào tạo nằm trong danh sách 400 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới):
Trình độ đại học: 80 lần mức lương cơ sở;
Trình độ thạc sĩ: 120 lần mức lương cơ sở;
Trình độ tiến sĩ: 200 lần mức lương cơ sở.
b) Đối với người tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo trong danh sách 201 - 400 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới:
Trình độ đại học: 130 lần mức lương cơ sở;
Trình độ thạc sĩ: 180 lần mức lương cơ sở;
Trình độ tiến sĩ: 230 lần mức lương cơ sở.
c) Đối với người tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo trong danh sách 200 cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới:
Trình độ đại học: 180 lần mức lương cơ sở;
Trình độ thạc sĩ: 230 lần mức lương cơ sở;
Trình độ tiến sĩ: 280 lần mức lương cơ sở.
d) Đối với một số vị trí công việc đặc thù khó thu hút thì ngoài khoản hỗ trợ nêu trên sẽ được xem xét hỗ trợ thêm kinh phí. Mức hỗ trợ thêm do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, nhưng không quá 200 lần mức lương cơ sở.
đ) Nguyên tắc thực hiện việc hỗ trợ kinh phí
- Hỗ trợ 50% kinh phí nêu tại khoản 2 Điều này ngay sau khi người được thu hút nhận công tác;
- Hỗ trợ 50% kinh phí còn lại sau 02 năm công tác trên cơ sở kết quả đánh giá, phân loại CBCCVC và người lao động hàng năm đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Trường hợp người được thu hút có 01 năm bị phân loại đánh giá không đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (trừ các trường hợp có lý do chính đáng như nghỉ thai sản, đau ốm, đi đào tạo dài hạn hoặc có lý do khác được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận) thì không được nhận khoản hỗ trợ 50% kinh phí còn lại và bị xử lý vi phạm hợp đồng theo quy định tại Mục 4 Chương III Quy định này.
3. Sau khi nhận công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng, những trường hợp khó khăn và thật sự có nhu cầu về nhà ở thì được ưu tiên xem xét cho thuê nhà chung cư của thành phố hoặc được hỗ trợ trong việc tiến hành thủ tục xin vay vốn ưu đãi trong thời hạn từ 10 - 15 năm để mua nhà ở xã hội theo quy định của Nhà nước và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.
4. Được xem xét, tạo điều kiện tham gia đào tạo bậc cao hơn bằng kinh phí tự túc hoặc bằng học bổng từ các tổ chức, cá nhân hợp pháp trong trường hợp đáp ứng các điều kiện sau:
a) Được cơ quan, đơn vị chủ quản đồng ý cử đi đào tạo;
b) Thời gian công tác kể từ khi được thu hút về làm việc cho thành phố: đối với công chức, có từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự); đối với viên chức, không trong thời gian tập sự;
c) Có ít nhất 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;
d) Ngành đăng ký cử đi đào tạo bậc cao hơn phải phù hợp với vị trí việc làm và ngành học ở bậc liền kề.